Chơi là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của một đứa trẻ. Các hoạt động vui chơi phù hợp và mang tính giáo dục cao chính là công cụ hữu hiệu để có thể thúc đẩy sự phát triển về nhận thức và đặc biệt là kích thích sự sáng tạo của trẻ. Điều mà các bậc cha mẹ hoặc thầy cô nên làm chính là nắm được cách tối ưu hóa công cụ này.

I. Kích thích sự sáng tạo quan trọng thế nào trong thế kỉ 21?
Trong thời đại ngày nay, có nhiều phát minh quan trọng trong cuộc sống mà nếu ta kể cho người sống cách đây 30-40 năm trước thì họ chắc chắn sẽ nói rằng ta đang ảo tưởng. Làm thế nào để kể cho cha mẹ ta ở tuổi niên thiếu rằng khi họ ở tuổi trung niên, sẽ có những chiếc máy chỉ nhỏ bằng bàn tay ta mà có thể giúp ta gọi điện, gửi thư, chụp ảnh, quay hình, và vô vàn việc khác chỉ trong một nốt nhạc? Tương tự, có nhiều nghề nghiệp có thu nhập cao hiện tại thậm chí chỉ mới xuất hiện cách đây 5-6 năm.
Không chỉ vậy, theo đại học Fulbright, một nghiên cứu gần đây dự báo rằng phần lớn các công việc của năm 2030 thậm chí còn chưa xuất hiện. Từ đó, có thể thấy sự sáng tạo chính là một trong những kĩ năng quan trọng nhất để giúp nhân loại không ngừng tiến bộ và giúp bản thân không bị tụt lại phía sau. Chính vì thế, cha mẹ cũng như thầy cô nên giúp trẻ phát triển sự sáng tạo của trẻ từ sớm và việc này thực sự không hề khó.
II. Làm sao để kích thích sự sáng tạo của trẻ?
Trên thực tế, theo giải thích của giáo sư Mitch Resnick, giám đốc điều hành của nhóm Lifelong Kindergarten của Viện công nghệ Massachusetts (MIT), để giúp trẻ phát huy hết tiềm năng sáng tạo, cha mẹ hay thầy cô cần biết cân bằng giữa tự do và kiểm soát, trợ giúp và quan sát cũng như là thời điểm để giảng giải, lắng nghe hoặc đặt vấn đề. Bản chất của việc kích thích sự sáng tạo không phải là “dạy” trẻ cách để sáng tạo mà là tạo một môi trường “màu mỡ” để “hạt giống” sáng tạo có thể mọc rễ, nảy mầm, sinh sôi và nảy nở.
Sau đây là một số phương thức để tạo ra môi trường “màu mỡ” kèm với một số loại đồ chơi phù hợp với từng phương thức
2.1. Khuyến khích tưởng tượng – Kích thích sự sáng tạo
Đối với trẻ, việc nhìn vào một trang giấy trắng và phải TỰ làm một sản phẩm dễ khiến các em sinh ra sự căng thẳng và sợ hãi. Vì vậy, người lớn nên cung cấp cho các em một số mẫu hay hướng dẫn cách làm để trẻ có thể học theo. Với 1-2 lần đầu, các em có thể bắt chước nhưng ở những lần sau chúng ta nên khuyến khích trẻ tự thay đổi theo ý muốn của mình.


Ngoài ra, sự sáng tạo không chỉ nằm ở trí não mà còn ở đôi bàn tay. Đối với phương thức này, thầy cô hoặc cho mẹ có thể tham khảo các đồ chơi như khối gỗ hay ghép hình Lego. Đối với loại đồ chơi này, người lớn nên ưu tiên những bộ có nhiều loại hình dáng với cả những miếng hình trụ, có vòm và dẹt để trẻ có thể thoải mái sáng tạo. Các khối gỗ và bộ ghép hình Lego rất phù hợp để giúp trẻ đắm chìm trong trí tưởng tượng của bản thân và thoải mái sáng tạo. Bên cạnh đó, loại đồ chơi này cũng phù hợp với nhiều lứa tuổi.


2.2. Tạo ra các nhiệm vụ giúp trẻ kích thích sự sáng tạo
Những đồ chơi, công cụ, và nguyên vật liệu xung quanh có ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em. Để trẻ thỏa sức sáng tạo, hãy đảm bảo rằng các em có thể tận dụng được nhiều loại vật liệu để vẽ, xây, và chế tạo. Chỉ những vật như bìa cứng, bút màu, keo, que kem, vải thừa cũng đã có thể trở thành nguyên liệu để trẻ tự làm ra những sản phẩm thú vị. Miếng xếp hình và que kem rất lý tưởng cho việc xây dựng. Vải thừa thì có thể dùng để làm búp bê, bút dạ hay bút màu dùng để vẽ còn băng kính hoặc deo dùng để dán. Mỗi loại vật liệu lại phù hợp với những nhiệm vụ khác nhau.
Ví dụ về dự án làm túi du lịch cho trẻ từ những vật liệu thân quen: bút màu, bìa các tông, băng dính, keo, vải. (Nguồn: DisneyJuniorUK)
Đối với phương thức này, ta cần tôn trọng sự sáng tạo của trẻ bởi mỗi trẻ lại có sự hứng thú và yêu thích với những lĩnh vực khác nhau (hội họa, xây dựng, âm nhạc,…). Vì vậy, hãy khen ngợi trẻ dù sản phẩm của các em có ở dưới hình thức nào và về chủ đề gì. Nếu được, hãy khuyến khích trẻ tạo ra sản phẩm với những hình thức khác nhau.
Phần lớn những kiến thức và kinh nghiệm mà trẻ học được từ việc chơi được thu nạp trong quá trình chơi chứ không phải sau khi hoàn thành sản phẩm. Vậy nên, cha mẹ và giáo viên cần phân bố sự chú ý đều đặn tới cả quá trình và sản phẩm của trẻ.
2.3. Chia sẻ nhưng không áp đặt
Nhiều trẻ luôn muốn chia sẻ về những ý tưởng của mình và muốn có bạn bè hoặc bố mẹ cùng chơi với trẻ. Tuy nhiên, phần lớn các em đều chưa biết làm thế nào để “mời” mọi người cùng chơi. Cha mẹ hoặc thầy cô có thể đóng vai trò là “bà mối” để giúp trẻ tìm được bạn cùng chơi phù hợp.
Không chỉ có bạn bè mà cha mẹ cùng thầy cô đôi khi cũng tham gia cùng trẻ để kích thích sự sáng tạo của các em. Ví dụ như khi nấu ăn, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia cùng những công việc đơn giản như rửa hoa quả hay nhặt rau, bóc vỏ để từng bước giúp các em hình dung cách giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ từng bước học những kiến thức cơ bản qua thực hành, kiến thức cơ bản là nền tảng cho sự sáng tạo trong tương lai. Hơn thế nữa, trẻ có thể học được rằng với mỗi vấn đề không phải chỉ có duy nhất một cách giải quyết và các em cần làm gì để tìm được cách tối ưu nhất.

2.4. Tự nhìn nhận
Như đã đề cập, trẻ không chỉ học sau khi hoàn thành sản phẩm mà còn học trong quá trình tạo ra chúng. Vì vậy, tạo cơ hội cho trẻ nhìn lại cũng là một phương thức cần thiết. Cha mẹ và thầy cô hãy đưa ra những câu hỏi ý nghĩa và thực tế cho trẻ.
Hãy bắt đầu bằng những điều mình thực sự muốn hỏi, ví dụ như “Làm thế nào mà con nghĩ ra được cách đó?” Câu hỏi này sẽ giúp trẻ tự nhìn nhận lại về điều đã kích thích và tạo cảm hứng. Một câu hỏi gợi ý khác là “Điều gì khiến con ngạc nhiên nhất?”, câu hỏi này sẽ tránh việc trẻ miêu tả lại quá trình mà tập trung vào trải nghiệm trong khi chơi. Trong quá trình nhìn nhận này, không chỉ trẻ mà phụ huynh hay giáo viên cũng nên đưa ra suy nghĩ và cảm xúc của mình để kết nối hơn với trẻ.

Tổng kết
Tựu chung lại, để kích thích khả năng sáng tạo – một năng lực vô cùng quan trọng trong thế kỉ 21 phụ huynh và giáo viên cần chuẩn bị một môi trường tốt: luôn chào đón những ý tưởng mới, luôn trân quý cả những thành phẩm tốt và những thất bại, cũng như là đa dạng trong loại hình đồ chơi, công cụ, và nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, sự đồng hành của gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò rất lớn trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo của các em.
Tổng kết
Thầy Cô đang quan tâm, muốn tìm hiểu về Giáo dục STEM, cách áp dụng phương pháp STEM vào lớp học, hãy tham khảo ngay “Khoá đào tạo Nhà giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org” của International STEM Association nhé!
Tham khảo
10 tips for cultivating creativity in your kids. (2020, March 31). Ideas.Ted.Com. https://ideas.ted.com/10-tips-for-cultivating-creativity-in-your-kids/