Nội dung chính:
Thầy cô có bao giờ tự hỏi “Liệu triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam có khả thi?”
Trong bài viết trước, thầy cô đã được giới thiệu cơ bản về mục đích của giáo dục STEM, nghiên cứu cơ bản về giáo dục STEM, và tham gia học hỏi trong cộng đồng STEM. Trong bài viết này, thầy cô sẽ được gợi ý 4 hình thức giảng dạy khác nhau để bắt đầu ứng dụng giảng dạy STEM.
1. Bắt đầu với mức độ tích hợp thấp
Giáo dục STEM tập trung vào sự tích hợp. Có 4 mức độ của tích hợp:
- Đơn môn: Kiến thức và kỹ năng được cung cấp tách biệt trong mỗi môn
- Đa môn: Kiến thức và kỹ năng được cung cấp tách biệt trong mỗi môn nhưng có liên hệ đến chủ đề chung
- Liên môn: Kiến thức và kỹ năng được cung cấp từ hai môn trở lên và có quan hệ chặt chẽ với nhau
- Xuyên môn: Kiến thức và kỹ năng được cung cấp từ hai môn trở lên và được áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề thực tế

Đơn môn là hình thức phổ biến trong giảng dạy truyền thống, thầy cô có thể bắt đầu giảng dạy STEM với mức độ đa môn.
Gợi ý cách thức:
- Nghiên cứu: Tìm hiểu một vài chủ đề ở một môn học khác
- Nghiên cứu: Môn học của các thầy cô có thể liên hệ với chủ đề đó như thế nào?
- Bài giảng: Đi từ kiến thức học sinh đã học ở môn khác, dẫn dắt vào bài học mới của môn học của mình
Ví dụ với chủ đề động vật trong thế giới tự nhiên, các khía cạnh STEM khác nhau có thể được phân tích như:
- Khoa học: đặc điểm và tập tính của loài động vật bay như bướm, chim
- Toán học: sự đối xứng
- Công nghệ: quay phim và chụp ảnh trong thế giới tự nhiên
- Kỹ Thuật: phân tích hình dáng của chim để ứng dụng thiết kế máy bay giấy
Sau khi tự tin với mức độ đa môn, thầy cô có thể tìm hiểu và ứng dụng tích hợp liên môn hoặc xuyên môn.
2. Bắt đầu với các trải nghiệm ngoại khoá tại địa phương
Tại sao lại là tại địa phương? Ở địa phương nào cũng có các địa điểm mà học sinh có thể trải nghiệm thực tế như công viên, cửa hàng, không gian cộng đồng. Những địa điểm này không yêu cầu giáo viên phải tốn chi phí thuê xe và nhiều thời gian cho trải nghiệm. Tuy nhiên, thầy cô cần lưu ý đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt quá trình trải nghiệm.
Một vài gợi ý cho thầy cô để triển khai trải nghiệm ngoại khoá tại địa phương:
- Chọn chủ đề: thầy cô ưu tiên bài học có ứng dụng gần gũi trong cuộc sống
- Chọn địa điểm: thầy cô chọn địa điểm phù hợp với chủ đề
- Liên hệ: thầy cô liên hệ quản lý địa điểm và yêu cầu hợp tác

3. Bắt đầu giáo dục STEM với các dự án đơn giản
Nghiên cứu và phát triển một dự án STEM không phải là điều đơn giản. Thầy cô có thể bắt đầu với các dự án STEM đơn giản sẵn có. Một vài nguồn cho thầy cô tham khảo như:
- Thư viện STEM miễn phí (https://elearning.istema.vn/p/thu-vien): cung cấp tài liệu giảng dạy STEM chi tiết bằng tiếng Việt cho các cấp
- Cộng đồng STEM Việt Nam (https://www.facebook.com/groups/buildingstemcapacityvietnam): dự án STEM thực tế được chia sẻ bởi các thầy cô tại Việt Nam
- Science Buddies (https://www.sciencebuddies.org/stem-activities): rất nhiều dự án STEM và khoa học với mình hoạ đầy đủ, rõ ràng. Ngôn ngữ là tiếng Anh nhưng các thầy cô có thể dùng Google Dịch sang tiếng Việt để dễ tiếp cận hơn.
4. Bắt đầu giáo dục STEM với ngày hội STEM quy mô nhỏ
Khi mà chưa thể triển khai ngay chương trình STEM chính khoá, thầy cô có thể tổ chức những ngày hội STEM. Ngày hội vừa khích lệ tinh thần ham học hỏi của học sinh, vừa giới thiệu cho học sinh và các cán bộ trong trường về giáo dục STEM.

Các thầy cô có thể bắt đầu với quy mô lớp học, khối lớp rồi sau đó mới là toàn trường. Một vài gợi ý đơn giản cho các thầy cô đó là:
Chọn chủ đề:
Chọn một lĩnh vực cụ thể của STEM mà thầy cô muốn tập trung tổ chức, ví dụ như người máy, lập trình hoặc năng lượng tái tạo. Điều này sẽ giúp thầy cô xác định các hoạt động cho ngày hội dễ hơn.
Lên kế hoạch cho các hoạt động thực hành:
Các hoạt động thực hành là một cách tuyệt vời để thu hút học sinh tham gia và hào hứng với STEM. Một số ví dụ bao gồm làm một mạch điện đơn giản, lập trình cho robot di chuyển hoặc thiết kế tua-bin gió.
Mời diễn giả:
Thầy cô nên cân nhắc việc mời các chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm từ các công ty hoặc học viện để nói chuyện với học sinh về công việc của họ và các cơ hội nghề nghiệp khác nhau trong STEM. Điều này có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ứng dụng của STEM trong thế giới thực.
Đảm bảo tính tương tác:
Thầy cô nên khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, tham gia thảo luận và tham gia tích cực vào các hoạt động thay vì chỉ quan sát.
Truyền thông:
Quảng cáo trước về sự kiện cho học sinh và phụ huynh, dán áp phích, đồng thời gửi thư nhắc nhở để tạo hứng thú và tăng lượng người tham dự.
Đánh giá tổng kết:
Vào cuối ngày, nhờ học sinh đưa ra phản hồi về những gì họ thích và những gì nên được cải thiện. Điều này sẽ giúp thầy cô lên kế hoạch tốt hơn cho những ngày STEM trong tương lai và đảm bảo rằng chúng đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Để tìm hiểu sâu hơn về cách tổ chức ngày hội STEM, thầy cô có thể tham khảo khảo khoá đào tạo “HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC NGÀY HỘI STEM” qua đường link sau https://elearning.istema.vn/ngayhoistem
Tổng kết
Thầy Cô đang quan tâm, muốn tìm hiểu về Giáo dục STEM, cách áp dụng phương pháp STEM vào lớp học, hãy tham khảo ngay “Khoá đào tạo Nhà giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org” của International STEM Association nhé!
Bài viết được biên soạn bởi International STEM Association, xin vui lòng không được sao chép dưới mọi hình thức.