Giáo dục STEM nên được bắt đầu ngay từ bậc học Mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ luôn tò mò và mong muốn khám phá thế giới xung quanh. Thông qua các thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non hay thử thách chế tạo đơn giản, gắn liền với cuộc sống, trẻ sẽ phát triển năng lực tư duy logic cũng như các kỹ năng mềm để tự tin hơn vào bản thân.
Trên thực tế, giáo viên tổ chức rất nhiều hoạt động tiêu chí “Học mà chơi, chơi mà học”. Hãy cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây của chúng tôi để hiểu hơn về cách tích hợp các yếu tố STEM vào các hoạt động thực hành cho trẻ mầm non. Những thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non với nguyên liệu đơn giản, dễ chuẩn bị, tích hợp yếu tố khoa học, kỹ thuật vào hoạt động thủ công quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi hoàn toàn có thể được tổ chức tại lớp học hoặc tại nhà.

1. Bánh trôi sắc màu (Thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non)

a) Dụng cụ cần chuẩn bị
Bột nếp, thìa đong, nước, bát, que khuấy, nước màu chiết từ rau củ quả
b) Hoạt động khám phá bột bánh
- Chuẩn bị khối bột mẫu theo công thức: 2 thìa bột nếp + 1 thìa nước
- Giới thiệu khối bột mẫu: Bột đạt yêu cầu là bột có thể vo viên tròn mà không bị xệ/chảy ra. Nếu bột loãng thì bột bị chảy và khó tạo hình bánh trôi.
- Trẻ nhìn, sờ và cảm nhận bột mẫu.
- Đưa ra thử thách tìm ra công thức bột đạt trong 2 công thức dưới đây:
- Công thức 1: 2 thìa bột nếp + 2 thìa nước (là công thức bột loãng; bột chảy, không tạo hình được)
- Công thức 2: 2 thìa bột nếp + 1 thìa nước (là công thức bột đạt; có thể thêm nước hoặc bột để trẻ dễ tạo hình hơn)
- Gợi ý các câu hỏi giúp trẻ nhận ra điểm khác nhau giữa 2 công thức
- Hướng dẫn trẻ làm bột theo 4 bước:
- B1: Cho bột vào bát
- B2: Cho nước vào bát
- B3: Dùng thìa khuấy đều cho bột và nước đến khi chúng quyện vào nhau
- B4: Dùng tay nhào khối bột thật đều
- Trẻ làm theo các bước hướng dẫn trên và rút ra nhận xét công thức bột nào đạt tiêu chuẩn.
c) Hoạt động tạo sắc màu cho bột bánh
- Chuẩn bị nước màu tự nhiên chiết xuất từ củ quả:
- Màu xanh lá: nước chiết từ lá nếp
- Màu tím: nước chiết từ củ dền
- Màu vàng: nước chiết từ cà rốt
- Giới thiệu với trẻ 3 loại rau củ có thể giã ra để lấy nước, tạo màu sắc cho bột bánh
- Hướng dẫn và cùng trẻ tạo ra nước màu và bột bánh với tỷ lệ bột theo công thức ở hoạt động trên.
Lưu ý: Nếu không có các nguyên liệu tươi để tạo màu cho nước, GV dùng bột khô hoặc màu thực phẩm.
Mở rộng: GV/PH giới thiệu về Tết Hàn thực, tổ chức liên hoan để trẻ thưởng thức sản phẩm.
2. Thiết kế mặt nạ trung thu – Thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non

a) Nguyên liệu cần chuẩn bị
Giấy báo, bột mì, nước, bát, thìa đong, que gạt
b) Hoạt động khám phá cách làm mặt nạ giấy bồi và thử nghiệm keo
- Cùng xem video chế tạo mặt nạ giấy bồi và thảo luận cùng trẻ về nguyên vật liệu được sử dụng
- Chuẩn bị keo mẫu với công thức: 4 thìa bột, 6 thìa nước
- Giới thiệu cho trẻ mặt nạ giấy bồi được làm từ giấy báo và keo. Thử thách của chúng ta là tìm ra công thức phù hợp để chế tạo keo làm mặt nạ
- Hướng dẫn trẻ cách dùng que gạt để đong thìa bột
- Giới thiệu 3 công thức có sẵn:
- Công thức 1: 4 thìa bột, 6 thìa nước (Công thức hợp lý)
- Công thức 2: 6 thìa bột, 4 thìa nước (Công thức quá khô)
- Công thức 3: 1 thìa bột, 5 thìa nước (Công thức quá loãng)
- Trẻ thực hiện lần lượt các công thức, nhận xét và so sánh với keo mẫu và chọn ra công thức phù hợp nhất tập:
c) Hoạt động chế tạo mặt nạ giấy bồi (Thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non)
- Hướng dẫn trẻ các bước làm mặt nạ giấy bồi
- Bước 1: Xé giấy báo thành các dải dài (khoảng 10×3 cm) hoặc các mảnh to bằng lòng bàn tay trẻ
- Bước 2: Trộn keo theo công thức phía trên
- Bước 3: Thấm đều keo vào dải/mảnh giấy báo
- Bước 4: Xếp lần lượt từng dải/mảnh giấy báo vào lòng bát to (xếp xen kẽ gối lên nhau để không có khe hở)
- Bước 5: Sau khi xếp kín lòng bát, phơi ở chỗ có nắng ấm và chờ mặt nạ khô
Lưu ý: Hỗ trợ trẻ xếp dải giấy báo tránh bị hở và đục lỗ tại vị trí 2 mắt của mặt nạ sau khi trẻ hoàn thành
Mở rộng: GV/PH giới thiệu Tết Trung Thu, tổ chức phá cỗ và múa lân với sản phẩm trên.
3. Kem lắc tay – Thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non

a) Dụng cụ cần chuẩn bị
Sữa tươi, túi zip to, túi zip nhỏ, muối, đá lạnh, bát to, bát nhỏ, thìa, hộp nhựa to, bút dạ, băng dính giấy
b) Hoạt động khám phá: Tìm ra công thức làm kem lắc tay
- Giới thiệu tên gọi món kem lắc tay (ví dụ: Món kem chúng ta làm có tên gọi là kem lắc tay vì chúng ta sẽ làm kem bằng cách lắc thật mạnh các nguyên liệu chứ không phải là cho nguyên liệu vào tủ lạnh)
- Giới thiệu với trẻ 2 cách làm kem:
- Cách 1: dùng sữa và đá
- Cách 2: dùng sữa, đá và muối
- Giới thiệu nhiệm vụ: tìm ra cách làm kem lắc tay thành công
- Hướng dẫn trẻ thử nghiệm hai cách làm kem theo các bước sau:
- B1: Đánh số vào các túi zip (dùng bút dạ, băng dính giấy giúp trẻ đánh số vào các túi zip, bát theo cặp như hình)

- B2: Cho 200g đá vào mỗi túi zip to
- B3: Cho 30g muối vào túi đá số 2
- B3: Đổ 180ml sữa vào mỗi túi zip nhỏ, kéo khóa zip
- B4: Cho túi sữa vào trong túi đá có số tương ứng, kéo khóa zip
- B5: Cho túi zip vào hộp, đóng nắp hộp và lắc nhanh, mạnh trong 3 phút
- Trẻ quan sát, nếm thử sản phẩm, đánh giá và rút ra cách làm kem thành công.
- Cùng nhận xét đặc điểm về 2 cách làm kem và đưa ra giải thích: Cách làm số 2 thành công vì có sử dụng muối. Muối giúp đá trở nên lạnh hơn làm cho sữa đông lại thành kem.
c) Hoạt động làm kem lắc tay (Thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non)
- Phát cho trẻ nguyên vật liệu và dụng cụ để làm kem lắc tay.
- Trẻ bắt đầu làm kem lắc tay theo các bước như trên
Trên đây là những thí nghiệm STEM cho trẻ mầm non phù hợp với giáo viên triển khai trên lớp cũng như cha mẹ thực hiện cùng trẻ tại nhà. Quý thầy cô tham khảo bài giảng đầy đủ dựa trên phương pháp dạy học 5E tại đây:
Ngoài ra, quý thầy/cô tham khảo thêm nhiều bài giảng STEM miễn phí dành cho các cấp học từ Mầm non tới THPT tại đây: istema.vn/thu-vien-bai-giang-stem/
Tổng kết
Trong bài viết trên, chúng tôi đã giới thiệu 3 thí nghiệm STEM cho trẻ mần non. Để có thể có cái nhìn toàn diện và bài bản về lĩnh vực giáo dục này, chúng tôi khuyến khích việc tham gia các khoá đào tạo để nâng cao kỹ năng và kiến thức bên cạnh việc tự nghiên cứu.
Thầy Cô đang quan tâm, muốn tìm hiểu về Giáo dục STEM, cách áp dụng phương pháp STEM vào lớp học, hãy tham khảo ngay “Khoá đào tạo Nhà giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org” của International STEM Association nhé!